Những ngành nghề nào, những doanh nghiệp nào được hưởng ưu đãi đầu tư trong nông nghiệp và nông thôn theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn?
I. Tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (Nghị định số 57/2018/NĐ-CP) và Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này quy định 19 ngành, nghề được hưởng ưu đãi đầu tư trong nông nghiệp và nông thôn; bên cạnh đó, trong từng giai đoạn, thời kỳ thì Thủ tướng Chính phủ quyết định thêm những ngành, nghề khác. Trong đó, 19 ngành, nghề được hưởng ưu đãi đầu tư trong nông nghiệp và nông thôn bao gồm:
1. Trồng rừng, bảo vệ rừng, trồng cây dược liệu, cây lâm sản ngoài gỗ, sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
2. Đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu tập trung cho công nghiệp chế biến. Xây dựng cánh đồng lớn.
3. Chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, hải sản tập trung.
4. Sản xuất, phát triển giống cây trồng, giống vật nuôi, giống cây lâm nghiệp, giống thủy sản.
5. Ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa và các công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy lợi, thủy sản.
6. Đánh bắt hải sản ở vùng biển xa bờ.
7. Sản xuất, tinh chế muối.
8. Sản xuất nguyên liệu và chế biến thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản, chế phẩm sinh học.
9. Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản, dược liệu.
10. Sản xuất bột giấy, giấy, bìa, ván nhân tạo trực tiếp từ nguồn nguyên liệu nông, lâm sản.
11. Sản xuất thuốc, nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.
12. Sản xuất hàng thủ công; sản phẩm văn hóa, dân tộc truyền thống.
13. Đầu tư hệ thống cấp nước sạch, thoát nước, công trình thủy lợi và hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.
14. Đầu tư mới, cải tạo, nâng cấp cơ sở giết mổ, bảo quản chế biến gia súc, gia cầm, tập trung, công nghiệp.
15. Thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, nước thải sinh hoạt tại nông thôn; thu gom xử lý chất thải làng nghề.
16. Đầu tư chợ ở vùng nông thôn; đầu tư nhà ở cho người lao động ở vùng nông thôn.
17. Sản xuất máy, thiết bị, chất phụ gia, phụ trợ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, máy chế biến thực phẩm.
18. Dịch vụ bảo vệ thực vật, thú y ở vùng nông thôn.
19. Dịch vụ tư vấn đầu tư, khoa học, kỹ thuật về sản xuất nông, lâm, thủy sản và nghề muối ở vùng nông thôn.
II. Tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 57/2018/NĐ-CP quy định những doanh nghiệp được hưởng chính sách hỗ trợ đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn là các doanh nghiệp được thành lập, đăng ký, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và có dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư hoặc dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư hoặc dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư. Trong đó:
1. Dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư là dự án thuộc danh mục ngành, nghề quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định pháp luật về đầu tư.
2. Dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư là dự án thuộc danh mục ngành, nghề quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn theo quy định pháp luật về đầu tư;
3. Dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư là dự án thuộc danh mục ngành, nghề được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP thực hiện tại vùng nông thôn, không thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn
Quản trị hệ thống — lúc 15:47:06 ngày 22/11/2019