Thủ tục mua bán sang tên xe máy cũ.
1. Chuẩn bị giấy tờ để mua bán xe máy
Để thực hiện thủ tục mua bán xe máy, bên bán và bên mua đều cần chuẩn bị sẵn một số giấy tờ:
Bên bán chuẩn bị:
- Giấy tờ xe bản chính;
- CMND/Căn cước công dân bản chính;
- Sổ hộ khẩu bản chính;
- Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân nếu còn độc thân; Giấy chứng nhận kết hôn nếu đã kết hôn để tránh phát sinh tranh chấp tài sản sau này.
Nếu không thể tự mình tiến hành việc mua bán xe, người bán có thể ủy quyền cho người khác thực hiện thay bằng Hợp đồng uỷ quyền. Trình tự, thủ tục như sau:
- Bước 1: Lập Hợp đồng ủy quyền và công chứng Hợp đồng ủy quyền tại văn phòng công chứng.
- Bước 2: Người được ủy quyền lập hợp đồng mua bán với bên mua.
Bên mua chuẩn bị:
- CMND/Căn cước công dân bản chính;
- Sổ hộ khẩu bản chính;
2. Thực hiện công chứng Hợp đồng mua bán xe
Theo điểm g khoản 1 Điều 10 Thông tư 15/2014/TT-BCA, giấy bán, cho, tặng xe của cá nhân phải có công chứng theo quy định hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân (UBND) xã, phường, thị trấn đối với chữ ký của người bán, cho, tặng xe.
Do đó, hợp đồng mua bán xe máy phải được công chứng hoặc chứng thực. Cụ thể theo công văn 3956/BTP-HTQTCT:
- Đối với Giấy bán, cho, tặng xe chuyên dùng thì UBND cấp xã nơi thường trú của người bán, cho, tặng xe thực hiện chứng thực chữ ký của người bán, cho, tặng xe.
- Đối với Giấy bán, cho, tặng xe của cá nhân thì người dân có quyền lựa chọn công chứng Giấy bán, cho, tặng xe tại các tổ chức hành nghề công chứng hoặc chứng thực chữ ký trên Giấy bán, cho, tặng xe.
Nếu lựa chọn chứng thực chữ ký trên Giấy bán, cho, tặng xe cá nhân thì thực hiện chứng thực chữ ký tại UBND xã nơi thường trú của người bán, cho, tặng xe.
3. Rút hồ sơ gốc của xe máy sang tên đổi chủ
Rút hồ sơ gốc chỉ áp dụng đối với trường hợp sang tên đổi chủ xe ở khác tỉnh.
Theo Điều 12 Thông tư 15/2014/TT-BCA, tổ chức, cá nhân mua xe đến cơ quan đăng ký xe ghi trong giấy chứng nhận đăng ký xe để làm thủ tục rút hồ sơ gốc.
Không phải đưa xe đến kiểm tra nhưng phải xuất trình các giấy tờ sau:
- Chứng minh nhân dân (CMND), sổ hộ khẩu (nếu nơi đăng ký thường trú của CMND và hộ khẩu không giống nhau) của chủ xe hoặc
- CMND, Hợp đồng ủy quyền có chứng thực của UBND xã phường hoặc văn phòng công chứng của người được ủy quyền (trường hợp ủy quyền).
Đồng thời, nộp 01 bộ hồ sơ gồm:
- 02 giấy khai sang tên, di chuyển xe (mẫu số 04)
- Giấy chứng nhận đăng ký xe và biển số xe
- Hợp đồng mua bán xe được công chứng, chứng thực theo quy định
Theo đó, thời hạn để giải quyết rút hồ sơ gốc là không quá 2 ngày làm việc.
4. Nộp lệ phí trước bạ sang tên xe máy
Cách tính lệ phí trước bạ sang tên xe máy cũ như sau:
Số tiền lệ phí trước bạ (đồng) = Giá trị tài sản tính lệ phí trước bạ (đồng) x Mức thu lệ phí trước bạ theo tỷ lệ (%)
Trong đó:
* Giá trị tài sản tính lệ phí trước bạ = giá trị tài sản mới nhân với (x) tỷ lệ phần trăm chất lượng còn lại của tài sản
Tỷ lệ phần trăm chất lượng (khấu hao) còn lại của xe máy cũ được xác định như sau:
Thời gian sử dụng xe Giá trị còn lại của xe
Trong 1 năm 90%
Trong 1 năm - 3 năm 70%
Trong 3 năm - 6 năm 50%
Trong 6 năm - 10 năm 30%
Trên 10 năm 20%
* Mức thu lệ phí trước bạ của xe máy cũ là 1%. Riêng:
- Trường hợp chủ tài sản đã kê khai, nộp lệ phí trước bạ đối với xe máy là 2%, sau đó chuyển giao cho tổ chức, cá nhân ở Thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh…) nộp lệ phí trước bạ theo mức 5%.
- Trường hợp xe đã nộp lệ phí trước bạ theo mức thu 5% thì các lần chuyển nhượng tiếp theo nộp lệ phí trước bạ với mức thu 1%.
5. Thực hiện sang tên xe cũ
Thủ tục sang tên xe máy: Kinh nghiệm thực hiện từ A đến Z (Ảnh minh họa)
Đây là bước cuối cùng, Bên mua xe sẽ đến Công an giao thông cấp huyện nơi mình sinh sống để làm thủ tục này. Hồ sơ cụ thể với từng trường hợp như sau:
Trường hợp sang tên trong cùng tỉnh có chứng từ chuyển quyền sở hữu xe:
Người đang sử dụng xe nếu có chứng từ chuyển quyền sở hữu xe của người đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe và chứng từ chuyển quyền sở hữu xe của người bán cuối cùng, hồ sơ gồm:
- Giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe (mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư 15/2014/TT-BCA) có cam kết của người đang sử dụng xe chịu trách nhiệm trước pháp luật về xe làm thủ tục đăng ký, có xác nhận về địa chỉ thường trú của người đang sử dụng xe của Công an cấp xã nơi người đang sử dụng xe thường trú.
- Chứng từ nộp lệ phí trước bạ xe theo quy định.
- Chứng từ chuyển quyền sở hữu xe của người đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe và chứng từ chuyển quyền sở hữu xe của người bán cuối cùng.
- Giấy chứng nhận đăng ký xe. Trường hợp bị mất giấy chứng nhận đăng ký xe phải trình bày rõ lý do trong giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe.
Trường hợp sang tên trong cùng tỉnh không có chứng từ chuyển quyền sở hữu xe:
Người đang sử dụng xe nếu không có chứng từ chuyển quyền sở hữu xe, hồ sơ gồm:
- Giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe (mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư 15/2014/TT-BCA) có cam kết của người đang sử dụng xe chịu trách nhiệm trước pháp luật về xe làm thủ tục đăng ký, có xác nhận về địa chỉ thường trú của người đang sử dụng xe của Công an cấp xã nơi người đang sử dụng xe thường trú.
- Chứng từ nộp lệ phí trước bạ xe theo quy định.
- Giấy chứng nhận đăng ký xe. Trường hợp bị mất giấy chứng nhận đăng ký xe phải trình bày rõ lý do trong giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe.
Trường hợp sang tên xe cũ từ tỉnh khác chuyển đến:
- Giấy khai đăng ký xe (mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư 15/2014/TT-BCA).
- Giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe (mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư 15/2014/TT-BCA) và Phiếu sang tên di chuyển, kèm theo hồ sơ gốc của xe.
- Chứng từ nộp lệ phí trước bạ theo quy định.
Sau khi nộp hồ sơ xong, chờ tới ngày hẹn và tới lấy Giấy đăng kí xe mới.
Quản trị hệ thống — lúc 15:05:04 ngày 22/11/2019